Công chức quản lý thị trường không được đòi tiền, sách nhiễu dân; điều chỉnh lương hưu cho một số đối tượng; để phân bón dưới dất bị phạt đến 3 triệu đồng,… là những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 9.
Phạt tiền đến 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh. Ảnh minh họa: Quốc Dũng |
Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho mỗi học sinh đặc biệt khó khăn
Nghị định 116/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ 1/9.
Theo đó, hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh; tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).
Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh.
Công chức quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền
Pháp lệnh Quản lý thị trường, có hiệu lực từ 1/9, quy định công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm.
Công chức quản lý thị trường cũng không được dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
Pháp lệnh này quy định, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 5 năm kể từ ngày được cấp.
Bổ sung trường hợp chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 bổ sung và bãi bỏ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005, có hiệu lực từ 1/9, quy định thêm những trường hợp chịu thuế mới như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Theo quy định hiện hành, những trường hợp chịu thuế gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
Luật này cũng quy định những trường hợp hàng hóa được miễn, giảm thuế, hoàn thuế cụ thể như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong định mức phù hợp với Điều ước quốc tế; tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại…
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho một số trường hợp
Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, hiệu lực từ 1/9.
Theo đó, đối với người có mức lương hưu từ 1,75 triệu đồng/tháng trở xuống, sẽ được điều chỉnh thêm 0,25 triệu đồng/tháng; đối với người có lương hưu trên 1,75 triệu đồng/tháng, mức lương hưu sau điều chỉnh là 2 triệu đồng/tháng.
Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1,85 triệu đồng/tháng trở xuống, mức trợ cấp mới bằng trợ cấp hằng tháng trước điều chỉnh cộng thêm 0,15 triệu đồng/tháng…
Để phân bón dưới nền nhà bị phạt đến 3 triệu đồng
Theo Nghị định 115/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/9, hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh sản xuất mà xếp, để sản phẩm phân bón lẫn với nguyên liệu sản xuất tại nhà xưởng sản xuất phân bón hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.
Nguồn: VNEXPRESS.NET